Đất là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Để có được một môi trường đất tốt cần chú ý đến nhiều yếu tố khác nhau trong đất, nhưng yếu tố trọng nhất, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu dinh dưỡng và phát triển của cây trồng là độ pH đất.
Đến nay, vẫn có nhiều người mơ hồ về pH đất, không hiểu rõ mức độ quan trọng của độ pH đất đối với cây trồng là như thế nào. Mời bà con nông dân cùng tìm hiểu cụ thể về pH đất và những ảnh hưởng của pH đất đến sự hấp thu dinh dưỡng của cây trồng.
pH đất là gì?
pH đất là thang đo phản ánh tính chất của đất mang tính axit hay bazơ, được đánh giá bằng nồng độ ion H+ có trong đất.
Chỉ số pH từ 0 đến 14 là thước đo đánh giá mức độ chua hay kiềm của đất.
Thông thường, bà con thường dựa mức 7 để chia đất thành 3 dạng:
+ pH = 7: đất trung tính
+ pH > 7: đất kiềm
+ pH < 7: đất chua
Đất có độ pH từ 5,5 đến 7,0 sẽ phù hợp với các loại cây trồng bởi vì trong khoảng mức độ pH này, hệ rễ cây và đất sẽ thực hiện thuận lợi quá trình hấp thu và trao đổi các chất dinh dưỡng.
Tuy nhiên, còn tùy thuộc phải đặc điểm, tính chất của từng loại cây mà bà con nông dân cần điều chỉnh độ pH ở một mức thật sự phù hợp.
Các loại đất có độ pH nằm ngoài ngưỡng từ 5,0 đến 8,0 thường không thích hợp để trồng trọt.
pH đất ảnh hưởng đến cây trồng như thế nào? Hãy cùng Sinai Việt Nam tìm hiểu tác động của pH nhé.
– pH đất ảnh hưởng đến quá trình hấp thu dinh dưỡng của cây trồng
Hầu hết cây trồng sẽ hấp thu dinh dưỡng tốt ở môi trường đất trung tính. Ví dụ như một số chất dinh dưỡng được cây trồng hấp thu tốt trong ngưỡng giới hạn như sau:
+ Natri, Kali, Lưu huỳnh: Độ pH 6,0 – 8,0
+ Lân: Độ pH 6,0 – 7,0
+ Canxi, Magie: Độ pH 7 – 8,5
+ Bo, Đồng, Kẽm: Độ pH 5,0 – 7,0
+ Sắt, Mangan: Độ pH 4,5 – 6,0
pH đất đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình chất dinh dưỡng hoà tan trong đất. Khi độ pH càng thấp thì đất càng trở nên xấu hơn.
Để đảm bảo cây trồng có thể dễ dàng hấp thụ toàn bộ chất dinh dưỡng khi bón vào, chúng ta cần duy trì độ pH đất ở mức từ 5,5 đến 7,5 bằng cách kiểm tra độ pH định kỳ và có những biện pháp cải thiện độ pH đúng cách.
– pH đất ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đất
pH đất thấp (pH<5) gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ vi sinh vật đất. pH đất càng thấp (pH<5), vi sinh vật đất không thể sinh sôi và phát triển, vi sinh vật đất bị ức chế.
Khi đất không có vi sinh vật hoạt động mạnh thì:
+ Các độc tố paclobutrazol, thuốc bảo vệ thực vật trong đất không bị phân hủy.
Ví dụ: Để phân hủy một nửa lượng paclobutrazol đã bón vào đất cần 5 năm nếu đất không có vi sinh hoạt động và bị yếm khí.
+ Phân hữu cơ bón vào để cải tạo đất không được vi sinh vật phân hủy nên đất không được cải thiện.
+ pH đất thấp bón phân vi sinh, phân hữu cơ vi sinh vào không có tác dụng do vi sinh vật không hoạt động.
+ pH đất thấp (pH<5) ức chế vi sinh vật hiếu khí có lợi hoạt động, tạo điều kiện cho nấm bệnh gây hại như Phytophthora, Fusarium hoạt động mạnh, gây ra các bệnh ảnh hưởng đến cây trồng như nứt thân xì mủ, vàng lá thối rễ…
– pH đất thấp khiến đất giải phóng độc tố.
+ Sắt, nhôm tự do được giải phóng khi pH đất thấp (pH<5) gây ngộ độc cho cây.
+ pH đất thấp (pH<5) làm cho các kim loại nặng ở trạng thái ion tự do, gây ức chế cây trồng.
+ Cải thiện pH>5 giúp cho các ion kim loại nặng bền ở dạng keo đất, đảm bảo cây trồng phát triển bình thường.
– pH đất thấp ảnh hưởng sinh lý thực vật.
pH đất thấp làm hệ rễ không phát triển, cây bị rối loạn chức năng trao đổi chất và hệ miễn dịch, chức năng phòng vệ của cây trồng giảm.
– pH đất thấp ảnh hưởng đến chi phí trị sâu rầy, trị bệnh tăng cao
pH đất thấp làm chức năng phòng vệ của cây trồng giảm, cây trồng bị giảm khả năng xua đuổi. Do đó sâu rầy, bệnh hại diễn ra liên tục làm tăng chi phí canh tác.
* * * Thói quen canh tác làm ảnh hưởng đến pH đất
– Không giữ cỏ
Trên thực tế, cỏ dại mang đến rất nhiều lợi ích cho cây trồng và hệ sinh thái đất, tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều người hiểu sai về cỏ dại.
Hệ rễ của cỏ dại chính là “ngôi nhà” yêu thích của rất nhiều vi sinh vật có lợi, nhờ có cỏ dại mà hệ vi sinh vật trong đất hoạt động tốt, phân giải các chất hữu cơ và vô cơ trong đất để đất trở nên tơi xốp, ổn định độ pH đất.
Cỏ còn hấp thu độc tố trong đất các nguồn kim loại nặng, mặn (NaCl), thuốc Bảo vệ thực vật,… và chuyển hóa các độc tố này, từ đó làm hạn chế tác động xấu lên đất và cây trồng.
Sau khi cắt cỏ, cỏ không được trả lại đất dẫn đến lãng phí nguồn phân hữu cơ tự nhiên cải tạo đất.
Cỏ giúp giữ độ ẩm đất, giúp tránh tia nắng mặt trời chiếu trực tiếp xuống đất. Cỏ giúp hạn chế các yếu tố bất lợi cho vi sinh vật đất phát triển.
– Sử dụng thuốc hoá học
Để tăng năng suất cây trồng và phòng trừ, tiêu diệt các loài sâu bệnh hại, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình canh tác, chăm sóc cây trồng.
Tuy nhiên thuốc hóa học tích lũy trong đất lâu dài làm ức chế, tiêu diệt vi sinh vật có lợi trong đất. Từ đó, đất không có khả năng cải tạo được dù có bón phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh.
Tương tự, thành phần hoá học trong thuốc bảo vệ thực vật ngoài diệt trừ các loại côn trùng gây hại còn gián tiếp phá huỷ hệ vi sinh vật đất, giết chết các loài vi sinh vật có lợi.
– Sử dụng phân hoá học
Bón phân ure, NPK có chứa NH4+ làm cho pH đất giảm. Đó là lý do tại sao pH đất giảm rất nhanh khi bón NPK đặc biệt là khu vực miền Tây.
– Không bón phân hữu cơ bổ sung
Phân hữu cơ đóng vai trò:
+ Nguồn thức ăn (nguồn carbon) để vi sinh hoạt động và phát triển
+ Tạo hệ đệm cho đất, giúp pH đất ổn định (điều kiện lý tưởng để vi sinh phát triển)
+ Giúp hệ keo đất ổn định để hấp thu (cố định) các kim loại tự do gây hại cho cây trồng
Nhìn chung, bà con nông dân có thể thấy rằng, độ pH đất là yếu tố tiên quyết để:
+ Tiết kiệm chi phí canh tác
+ Tăng cao năng suất, giảm áp lực dịch bệnh.
pH đất tốt giúp giảm 50% chi phí canh tác.
-> Kiểm tra pH đất, cải tạo đất có độ pH phù hợp và ổn định chính là yếu tố tiên quyết giảm chi phí canh tác.
Nguồn: Internet